Translate

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Người cầu toàn

Làm thế nào để biết bạn có phải là một người cầu toàn hay không? Một người cầu toàn là người luôn tin tưởng rằng sự hoàn hảo có thể đạt tới được và nó nên đạt được. Nhiều người trong thế giới của chúng ta ngày nay là những người cầu toàn hoặc đã từng là người cầu toàn trong một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Về bản thân, tôi cũng là người khá cầu toàn, luôn luôn đặt những tiêu chuẩn cao nhất cho bản thân mình và không bao giờ mong đợi bất cứ điều gì thấp hơn. Trong thực tế, nếu bạn đang đọc bài viết này, bạn cũng có thể là một người cầu toàn, vì bị thu hút bởi từ “cầu toàn” trong tiêu đề cũng như nội dung bài viết!

Bạn có phải là một người cầu toàn hay không?Người cầu toàn là người luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, dù cho đó là những việc nhỏ nhặt nhất!
Bạn có phải là một người cầu toàn hay không?
Bạn có thể nhận ra ngay một người cầu toàn ngay khi đang cách xa cả dặm, chỉ đơn giản bởi vì những biểu hiện cực đoan thì luôn bộc lộ ra ngoài. Sau đây là danh sách mười dấu hiệu chỉ ra rằng bạn là một người cầu toàn:
1. Bạn là một người có ý thức cao độ và luôn chỉ trích về những lỗi lầm. Vì thế, bạn có một con mắt vô cùng khắt khe đến những tiểu tiết.
2. Bạn luôn nhắm tới sự hoàn mỹ trong mọi thứ bạn làm, thậm chí đối với cả những công việc bạn không hề quan tâm.
3. Bạn dùng phần lớn thời gian để làm hoàn hảo một cái gì đó. Bạn thà hy sinh hạnh phúc và niềm vui cuộc sống (như là thời gian ăn, ngủ v.v…) hơn là cho phép một điều gì đó kém hơn nó có thể.
4. Bạn thiết lập một lý tưởng tuyệt đối. Kiểu như chỉ có màu đen hoặc trắng, không thể có màu xám.
5. Bạn cay nghiệt chỉ trích bản thân. Bạn sẵn sàng dằn vặt bản thân vào những sai lầm nhỏ nhất của chính mình, và dẫn đến bị khủng hoảng tinh thần.
6. Bạn nghiền ngẫm kết quả nếu nó không được như bạn hình dung trước đó. Bạn luôn tự hỏi tại sao nó lại không có kết quả khác, và liệu bạn có thể làm điều gì đó để ngăn chặn kết quả như vậy hay không.
7. Bạn phòng thủ trước những lời chỉ trích và có một nỗi sợ thất bại bởi vì chúng gợi đến sự không hoàn hảo.
8. Bạn chỉ có một mục đích cuối cùng ở trong tâm trí. Nếu bạn không đạt được cái đích đó, thì bạn không còn quan tâm đến thứ gì khác nữa.
9. Bạn có một lối tiếp cận hoặc tất cả hoặc không là gì cả. Nếu hoàn cảnh không cho phép bạn đạt được tiêu chuẩn mà mình đã đặt ra, bạn sẽ hoàn toàn bỏ công việc đó, bởi vì không cần phải tốn thêm thời gian vào những thứ mà bạn không chinh phục được.
10. Bạn rất nhạy cảm trong bất cứ tình huống nào có thể khiến cho người khác nhận ra rằng bạn là người không hoàn hảo.
Nếu bạn là một người cầu toàn, bạn sẽ nhận thấy những điểm trên rất quen thuộc với bạn.
Kinh nghiệm của bản thân tôi về sự cầu toàn
Tôi đã từng là một người khá cầu toàn khi còn trẻ, bởi vì hoài bão của tôi là trở nên tốt nhất mà tôi có thể. Tất cả 10 dấu hiệu mà bạn vừa đọc ở trên thì hoàn toàn gắn chặt với tôi. Kiểu nghĩ của tôi về cuộc sống trước đây (và có lẽ bây giờ vẫn vậy) là: ‘Khi bạn tập trung khối óc và con tim vào việc gì đó, thì không điều gì là không thể trong thế giới này’. Bất cứ lúc nào tôi phát hiện ra thiếu sót hoặc sai lầm của mình dù là rất nhỏ, như là sai ngữ pháp, chính tả .v.v…, tôi sẽ rất chán nản. Tôi đã luôn chỉ trích bản thân một cách khắt khe nhất.
Khi tôi bắt đầu phát triển trang web vào tuổi thiếu niên, tôi thường thức rất khuya, ngủ chỉ 1 đến 2 giờ mỗi đêm để tinh chỉnh cho trang web của tôi trở nên hoàn hảo, từ nội dung đến hình thức và ngữ nghĩa sao cho phù hợp. Trang web của tôi trông phải hoàn hảo trên mọi trình duyệt và trên mọi độ phân giải màn hình khác nhau. Các sản phẩm tôi làm ra phải là tốt nhất theo cách mà tôi có thể tưởng tượng được. Nó là một sự quyết tâm, một tiêu chuẩn cá nhân mà tôi đặt ra cho bản thân mình.
Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi thường giành làm hết mọi công việc trong các dự án nhóm, bởi vì tôi muốn mọi thứ phải phù hợp với những ý tưởng mà tôi đã hình dung trước đó. Tôi tốn rất nhiều thời gian để làm hoàn hảo nhiệm vụ, từ việc quan trọng cho tới những vấn đề nhỏ nhất. Nếu đó là một bài thuyết trình, thì mọi thứ phải đồng bộ về hình thức và chủ đề, thậm chí phải phù hợp về font chữ, cỡ chữ và màu sắc. Nếu đó là một bản báo cáo thì tất cả nội dung, biểu đồ và định dạng phải được liền mạch. Công việc đó có vẻ như không có hồi kết bởi vì chúng dường như có thể luôn luôn được cải tiến tốt hơn.
Bất cứ khi nào mọi thứ không đi theo cách tôi muốn, tôi sẽ cố gắng sửa sai bằng cách tập trung nhiều nỗ lực hơn vào lần tiếp theo. Bất cứ khi nào tôi nghe thấy mọi người nói những câu đại loại như “con người thì không bao giờ là hoàn hảo cả” hay “có lỗi lầm thì đó mới là con người”, tôi sẽ nổi xung lên. Đối với tôi, đó chỉ là những lời ngụy biện để bào chữa cho những sai lầm. Triết lý của tôi lúc đó là sự hoàn hảo thì có thể đạt được, khi chúng ta dành hết tất cả sức lực và năng lượng thì chúng ta có thể đạt được điều đó. Nếu chúng ta không làm được, đơn giản là bởi vì chúng ta chưa cố gắng hết sức mà thôi.
Nhưng sau này trong cuộc sống, tôi nhận ra một điều rằng quá cầu toàn chưa hẳn đã tốt, nhiều khi lại còn có hại nữa.
Vậy điều gì dẫn tới chủ nghĩa cầu toàn?
Nói chung, có ba nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cầu toàn. Nó có thể là kết quả của một hoặc nhiều trong các lý do sau đây:
1. Mong muốn phát triển một cách mãnh liệt
Họ mong đợi sự hoàn hảo cho chính họ. Chủ nghĩa cầu toàn của họ là kết quả của một sự khao khát vô độ và mong muốn trưởng thành để trở nên tốt nhất có thể. Tìm con đường ngắn nhất để đạt được mục đích của mình mà bỏ qua quy luật phát triển, điều này thì trái ngược với mục đích trong cuộc sống.
2. Sự kỳ vọng của xã hội
Chủ nghĩa cầu toàn của họ nảy sinh bởi vì xã hội đặt quá nhiều kỳ vọng vào họ. Gia đình, nhà trường, huấn luyện viên, người quản lý, và những nhà lãnh đạo với nhiều áp đặt, độc tài gây ra chủ nghĩa cầu toàn bằng việc vẽ ra một tiêu chuẩn rất cao để chúng ta vươn tới, nếu gặp thất bại thì sẽ bị trừng phạt. Thất bại thì đồng nghĩa với vô tích sự. Tại các trường học và công sở có văn hóa cạnh tranh khốc liệt và chú trọng quá nhiều đến hiệu suất và thành tích là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh ra chủ nghĩa cầu toàn.
Các phương tiện truyền thông xã hội luôn xây dựng nên những hình tượng hoàn hảo, không có bất cứ một lỗi lầm nào; mang đến cuộc sống một khuôn mẫu tưởng tượng, trong các đoạn quảng cáo, tiếp thị và hội chứng sùng bái thần tượng. Họ tạo ra một khát vọng hướng tới những lý tưởng không thực tế và “nhồi” cho chúng ta tin rằng những lý tưởng như vậy trong thực tế là có thể đạt được.
3. Cảm giác bất an
Đối với một số người, chủ nghĩa cầu toàn có thể phát sinh do những bất an trong cuộc sống của người đó. Những người đã từng đối mặt với sự phân biệt đối xử hoặc cho ra ngoài lề từ nhỏ đã hình thành nên một cảm giác không đầy đủ hoặc trống rỗng trong con người họ. Điều này là lý do để họ mong muốn được chứng tỏ bản thân thông qua những hành động và thành tích cho chính họ hoặc cho những người xung quanh.
Còn bạn thì sao? Bạn có là một người cầu toàn hay không? Nguyên nhân nào khiến bạn trở nên như vậy?

Về tác giả bài viết:

Celestine Chua sinh ra và lớn lên tại Singapore. Cô là một chuyên gia về lĩnh vực phát triển cá nhân, một blogger và là người sáng lập của Personal Excellence để giúp mọi người theo đuổi hoài bão và đạt được thành công trong cuộc sống. Bạn có thể liên hệ với Celestine tạiFacebook và Twitter.

Ref:
http://vinacode.net/2013/08/02/nguoi-cau-toan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét